Cần sửa ngay lương giáo viên
Rất
nhiều mâu thuẫn giữa thực tế và đào tạo cũng như việc sử dụng đội ngũ
giáo viên (GV) khiến mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ
thông còn lắm trở ngại.
Đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách
công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên
Phó chủ tịch nước, làm chủ nhiệm, đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm
nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Trong đó, vai trò thiết
yếu là đội ngũ GV. Theo bà Bình, chất lượng nhà giáo quyết định chất
lượng giáo dục của nhà trường. Đội ngũ nhà giáo yếu kém, bất cập thì dù
có chương trình, tài liệu giáo khoa hay cơ sở vật chất - thiết bị dạy
học đầy đủ, hiện đại vẫn không thể đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Thực tại thì cuộc sống của GV chân chính hết sức vất vả, sinh viên mới ra trường cơ cực tìm việc dù nhiều nơi vẫn thiếu GV, học sinh giỏi không muốn vào sư phạm nên chất lượng của đội ngũ này còn nhiều bất cập.
50% lương dưới bình quân
GS Nguyễn Quang Kính, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Tôi bất ngờ khi xem bảng lương của GV hiện nay”. Ông phân tích: “GV trung học bậc cao nhất thì lương cũng chỉ tương đương với chuyên viên chính của một số ngành. Như vậy, mức lương cao nhất của GV thì cũng chỉ đứng thứ hai khi so với những ngành khác”. Còn GS Hoàng Tụy thì cho rằng: “Chính sách với người thầy như hiện nay là “nỗi nhục” của xã hội chúng ta. Để có thể sống được, thu nhập chủ yếu của GV là từ làm thêm. Chính sách ấy đã làm nảy sinh tham nhũng và làm cơ sở để “nuôi” tham nhũng phát triển. Do vậy, cần phải sửa ngay dù đã muộn”.
GS Nguyễn Quang Kính chỉ ra thực tế: Chúng ta hầu như không để ý GV phải làm việc trong điều kiện như thế nào mà đòi hỏi thì khá nhiều. Ở ngay TP lớn như Hà Nội, GV phải dạy một lớp tới 60 học sinh (trong khi quy định là hơn 30 học sinh/lớp). “Điều này không những không thể hy vọng gì vào chất lượng mà còn là cực hình đối với GV”, ông Kính nói.
Nhóm nghiên cứu khảo sát thu nhập của GV qua bảng lương. Kết quả cho thấy: Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương GV sau 13 năm từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 đến 4,7 triệu đồng/tháng. GV mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/ tháng. Với số lượng GV như hiện nay, theo tính toán của đề tài, chỉ khoảng 50% GV các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.
Từ các con số trên cho thấy thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị.
|
Theo kết quả điều tra của nhóm nghiên cứu, số GV thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề chỉ chiếm khoảng 10-20%. Không ít GV ở khu vực đô thị khi có điều kiện thuận lợi đều chuyển ngành. Chính vì thế trong những năm gần đây không những vùng sâu, vùng xa mà nhiều thành phố lớn luôn trong tình trạng thiếu GV.
Thế nhưng, cũng có một thực tế là rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội đứng trên bục giảng, hoặc có thì cũng hết sức trầy trật.
|
Cũng tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức, dù có tấm bằng ĐH sư phạm hẳn hoi nhưng N.G đành phải học thêm văn bằng 2 ngành kế toán tại Học viện Tài chính. G. đến trường học vào mỗi buổi chiều, còn sáng và tối thì nhận lớp dạy kèm. Hiện G. đang nhận dạy cho 3 học sinh, một tuần 6 buổi với thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. G. tâm sự: “Trong số hơn 40 sinh viên tốt nghiệp cùng lớp, số người xin được việc để theo đuổi ngành sư phạm chỉ khoảng trên 10. Trong đó, khoảng 5 người xin được dạy hợp đồng trong tỉnh, chỉ 3 trường hợp xin được vào dạy trường công lập nhưng ở các tỉnh phía nam. Số còn lại hoặc xin một công việc trái ngành, hoặc làm gia sư để tiếp tục học thêm… Muốn xin được về dạy trong tỉnh phải lo lót khoảng 100 triệu đồng, trong đó đặt cọc trước khoảng 80 triệu đồng. Nhưng nếu không đi đúng đường thì có khi phải chờ cả năm mà chưa chắc có kết quả”.
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM từng chua chát: “Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp cho biết về địa phương không được sở phân công công việc. Muốn có được một chỗ đi dạy, cần phải “chạy” đúng đường với mỗi suất khoảng 60 - 100 triệu đồng, tùy theo địa bàn. Tôi từng chứng kiến một trường hợp xin về Bình Phước dạy hợp đồng phải bỏ ra 25 triệu đồng, nhưng chỉ sau một năm thì bị cho nghỉ việc và giờ đang phải ở nhà làm hạt điều”.
“Thợ dạy” trội hơn “thợ giáo”
Đánh giá của nhóm nghiên cứu trên cho thấy đội ngũ GV hiện nay nhìn chung chưa đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc đổi mới và cải cách chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 như nêu trong Nghị quyết của ĐH Đảng lần thứ XI. Nói nôm na thì phẩm chất “thợ dạy” nổi trội hơn “thợ giáo” - năng lực dạy học môn học tốt hơn năng lực giáo dục học sinh. GS Đinh Quang Báo, Viện Nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay: “Khảo sát chất lượng GV bằng việc đo các thanh kiến thức thì ổn nhưng tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh thì rất yếu”.
Cuộc cải cách giáo dục phổ thông sắp tới đặt ra những yêu cầu mới đối với người GV, việc dạy học về thực chất đã trở thành việc dạy cho người học cách tìm kiếm và sử dụng tri thức. Chuyển từ kiểu dạy học tập trung vào vai trò GV và hoạt động dạy sang kiểu dạy học tập trung vào vai trò của học sinh và hoạt động học, từ cách dạy thông báo - giải thích - minh họa sang cách dạy hoạt động tìm tòi khám phá.
Đề xuất thay đổi chính sách Những sửa đổi về chính sách đối với nhà giáo mà đề tài đề xuất: - Sửa lại thang bảng lương để đáp ứng các yêu cầu: tiền lương phải đảm bảo một mức sống hợp lý cho bản thân GV và gia đình họ. Tiền lương trả cho GV phải thể hiện sự ưu đãi so với tiền lương trả cho các công chức, viên chức tương đương về trình độ đảm nhiệm các công việc khác. Giảm bớt số bậc trong từng ngạch để tiến độ từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất trong thang lương không kéo dài hơn khoảng thời gian 10 - 15 năm như hiện nay. - Chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phụ cấp. - Cải thiện điều kiện lao động của GV như: Ban hành quy định cấm tổ chức lớp học vượt quá sĩ số tối đa; Sửa đổi định mức số giờ làm việc tối đa của GV để không cao hơn so với số giờ làm việc của công chức/viên chức như hiện nay...
T.Nguyễn
|
Tuệ Nguyễn - Hà Ánh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Mong nhận được lời nhật xét chân thành !